Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu
Phần I
KHÁI QUÁT
Giao tế là kỹ năng cần thiết đối với mọi cá nhân, mọi thành viên của xã hội sống hợp quần. Chung quanh chúng ta, có những người được cho là “khéo giao tiếp.” Đó có thể là cô Loan lúc nào cũng nhỏ nhẹ, hay anh Tuấn luôn bình tĩnh dù phải nghe những lời chỉ trích, hoặc ông giám đốc Toàn biết sửa lỗi nhân viên bằng những lời từ tốn. Có những người khác lại mang tiếng “vụng về.” Thí dụ như cậu Khánh luôn cho rằng chỉ ý kiến của mình mới đúng, hay bé Thủy không bao giờ chấp nhận mình sai. Có những người mà chúng ta nhận định đơn giản là “vô duyên.” Họ đang nói chuyện này bỗng xọ sang chuyện khác. Họ cũng có thể nói mãi về một chủ đề, và nói đi nói lại những chi tiết đã nói rồi, dù những người chung quanh đã đi sang chủ đề khác. Họ có khi đứng quá sát người đối diện khiến ai cũng cảm thấy không gian cá nhân bị xâm phạm. Còn lại, đại đa số chúng ta có khả năng giao tiếp ở mức trung bình.
Sử dụng ngôn ngữ
Giao tế là kỹ năng phức tạp, đòi hỏi một cá nhân có nền tảng căn bản về nhiều kỹ năng khác. Trước tiên là khả năng sử dụng ngôn ngữ để truyền tải tư tưởng. Ngôn ngữ được sử dụng có thể là lời nói, dấu tay, chữ viết, hình ảnh, v.v.. Dù ở hình thái nào, ngôn ngữ mà một cá nhân sử dụng phải khiến người nghe hiểu được. Tiến trình giao tiếp bị trục trặc nếu người nghe không hiểu lối bày tỏ của người nói. Thí dụ, bé Mai nói ngọng nên mẹ không hiểu bé muốn ăn gì, bé Khôi ra dấu bằng tay nhưng người bạn – vì không hiểu ngôn ngữ ra dấu tay – nên tròn mắt nhìn, bà Trúc nói nhanh và nhiều khiến con bà không kịp nhớ những gì bà dặn…
Tiếp thu ngôn ngữ
Sử dụng ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên, thì tiếp thu ngôn ngữ sẽ là yếu tố kế tiếp. Một cá nhân phải hiểu được lời nói hay câu hỏi của người đối diện để câu chuyện có thể tiếp tục. Bé Hiền phải hiểu câu hỏi “Con muốn mặc áo đầm hay quần jean?” của mẹ để có thể cùng mẹ chọn áo quần bé thích. Bé Khôi, khi được hỏi cùng câu hỏi, lẽ ra phải cười vì biết mẹ đang có ý ghẹo mình. Bé Khôi có thể trả lời: “Con là con trai mà!” Khả năng tiếp thu ngôn ngữ ở mức độ cao hơn còn có những lời nói ví von, mang nghĩa bóng… Anh Đức nghe mẹ khen: “Gớm, con trai mẹ bây giờ nấu cơm giặt giũ giỏi thế nhỉ!” Biết đâu bà mẹ đang khó chịu khi thấy cậu con trai cưng phải xuống bếp làm việc nhà.
Đoán biết âm giọng, từ ngữ
Đoán biết âm giọng, từ ngữ của người nói là kỹ năng quan trọng. Anh Đức có thể biết mẹ mình đang khen anh và vui thực lòng, hay đang khó chịu, qua âm giọng của bà. Trẻ con biết nghe âm giọng cha mẹ, thầy cô mà đoán ra chúng đang ngoan ngoãn hay đang bị khiển trách. Một em bé tự kỷ có thể khóc hay tỏ ra sợ sệt, bịt tai, chạy trốn khi nghe giọng nói nghiêm khắc của cô giáo hay ba mẹ. Các cô cậu học cấp 3 có thể “lạnh gáy” khi nghe những từ “anh, chị, cô, cậu” như trong câu “Bây giờ anh 17 tuổi, anh còn nghe lời chúng tôi không?” hay “Cô bao nhiêu tuổi mà cô dậy khôn cha mẹ?” Tuy nhiên, cũng chữ “anh, chị” được dùng bằng âm giọng ôn tồn, các em sẽ thấy được tôn trọng: “Nay anh đã lớn, ba mẹ mong anh sẽ giúp ba mẹ kèm các em học ở nhà.”
Giao tiếp mắt
Vì giao tế cần ngôn ngữ, giao tế cũng cần khả năng giao tiếp mắt khi trò chuyện. Có vẻ như đây là kỹ năng người ta sinh ra đã có, không cần ai dậy. Thực sự, với đại đa số chúng ta, đúng là việc nhìn vào mắt người đối diện là những gì không ai phải dậy. Đứa bé được mẹ ôm trong tay, ở vài tháng tuổi, đang bú mẹ mà mắt cứ nhìn chăm chăm vào mặt mẹ. Rồi ở tuổi biết lẫy, biết bò, chập chững đi… đứa bé luôn nhìn vào mắt bố mẹ khi đòi bồng ẵm, khi nhõng nhẽo, nũng nịu, hay khi xin đồ chơi này, thức ăn kia… Đúng là không ai dậy đứa bé sơ sinh kia phải nhìn vào mắt người đối diện, và có vẻ như đó là những gì tạo hóa đã ban cho mỗi bào thai. Các nhà chuyên môn tin rằng trẻ con nhìn mắt người lớn trước tiên là để yêu cầu, đòi hỏi. Sau đó, chúng quan sát người chung quanh giao tiếp với chúng, và hiểu rằng mắt nhìn mắt là một quy luật của giao tế: phải nhìn nhau để tỏ ra đang nghe nhau, chú ý đến nhau; và không nhìn có thể là biểu tỏ của làm ngơ, giận dỗi…
Khả năng ghi nhớ những dữ kiện nghe được
Rất nhiều khi, trong giao tiếp, chúng ta nhận được thông tin dồn dập. Người hỏi có thể hỏi một câu hỏi sau khi đưa ra hơn một dữ kiện: “Vào thứ Năm tuần tới, khoảng 8 hay 9 giờ sáng, con có thể đón dì Út rồi đưa mẹ và dì Út lên nhà bác Hai không?” Người nghe phải nhớ những dữ kiện này để có thể tổng hợp và phân tích chúng trước khi đưa ra câu trả lời.
Người nói thường bắt đầu tư tưởng của mình bằng câu thứ nhất, và có thể chấm dứt ở câu thứ năm, thứ sáu. Người nghe phải nhớ và thống kê những thông tin của người nói để đáp lời cho thích hợp.
Trong khuôn khổ một buổi thảo luận hay tranh luận, chúng ta có thể gặp khó khăn vì dữ kiện và thông tin tràn ngập, vượt quá mức mà trí nhớ chúng ta có thể kịp ghi lại (vì cùng lúc não còn phải phân tích và phán đoán). Lúc ấy, chúng ta sẽ dựa trên giấy bút để lấy nốt, ghi phác lại, hay tốc ký.
Trí hiểu tổng quát
Giao tế dĩ nhiên cần trí hiểu tổng quát. Thí dụ, để biết chào hỏi cho thích hợp, một cá nhân phải biết đoán định quan hệ họ hàng: đây là bác, tức anh của ba/má; đây là bà, là mẹ của ba/má hay là chị/em của bà nội/bà ngoại, v.v.. Nếu người đối diện không có quan hệ họ hàng, khả năng đoán định vẫn cần thiết: tôi chào cụ vì người ấy ở tuổi trên cả ông bà tôi, tôi chào cô vì người này có vẻ trẻ hơn cha mẹ tôi. Nếu cô gái này ở tuổi của tôi hoặc nhỏ hơn tôi một chút, tôi có thể gọi bằng cô hay ngay cả bằng chị. Khi gặp gỡ cấp trên, cấp dưới, lối xưng hô trở nên khách sáo hơn, và khả năng giao tế của một cá nhân đòi hỏi cá nhân ấy phải xưng “tôi.” Tuy nhiên, cũng chính khả năng giao tế ở nơi làm việc cho phép một cá nhân có thể xưng tên hay xưng “anh,” “cô,” “bác”… nếu quan hệ làm việc thân tình và đủ tin cậy. Cô thư ký Quỳnh, trong những ngày đầu tại hãng xưởng mới, có thể xưng “Quỳnh” với cô gái trả lời điện thoại ngồi bên cạnh, nhưng sẽ xưng “tôi” với anh chàng trưởng phòng kế hoạch ở gần tuổi của cô, và xưng “em” với chị trưởng phòng nhân sự. Nếu khéo giao tế, Quỳnh sẽ biết rằng xưng “tôi” với cô gái trả lời điện thoại có thể khiến Quỳnh có vẻ kiêu ngạo và xa cách, trong khi xưng “em” với anh chàng trưởng phòng kế hoạch sẽ làm cô bị hiểu lầm là sàm sỡ.
Quan sát và phân tích
Giao tế cũng đòi hỏi một cá nhân biết quan sát và phân tích. Chi thấy mặt mẹ không vui, miệng mẹ không hôn, tay mẹ không ôm, Chi hiểu mẹ đang giận. Khả năng phân tích sẽ cho Chi biết rằng hồi sáng Chi khóc khi vào lớp, rồi Chi còn kéo tóc bạn để cô giáo phải kêu cho mẹ. Với chúng ta, trong thế giới người lớn, chúng ta thường xuyên quan sát người chung quanh để đoán định tình cảm, ý muốn… của họ. Tôi được anh chị B mời đến nhà bàn thảo sự việc đáng tiếc khi con tôi và con anh chị B đánh nhau tại trường. Tôi bước vào nhà và thấy mặt chị B lạnh như tiền. Anh B ngồi sẵn ở phòng khách, chân bắt chéo, và chỉ khẽ gật đầu để đáp lời mời của tôi. Tôi có thể hiểu ngay anh chị B đang cho rằng lỗi hoàn toàn ở con tôi. Ngược lại, nếu cả hai anh chị cùng ra cửa đón tôi với những nụ cười và lời chào nồng nhiệt, tôi biết tôi có thể dễ dàng cùng anh chị thông cảm và giúp hai đứa trẻ tiến bộ.
Khả năng quan sát này có vẻ thiếu đi ở một số cá nhân. Nói cách khác, kỹ năng đọc vẻ mặt, cử điệu… hình như không phải ai cũng có. Bé Nhân không biết rằng bà ngoại mệt nên mới nằm liệt trong giường, bé vô tư đòi bà bế bé ra chợ. Chị Hoa cứ huyên thuyên kể chuyện con mình nhận bằng khen, và không nhận ra ánh mắt thoáng buồn của người bạn có đứa con chậm phát triển. Những cá nhân quan sát giỏi thường có khả năng chỉnh sửa lời nói và thái độ của mình. Bé Mi đang líu lo: “Bố ơi, bố ơi, bố có nghe con không? Bà cho con trái táo đẹp quá đây này! Bố nhìn này…” và bỗng im lặng rón rén ra khỏi phòng khi thấy bố bé đang nghe điện thoại. Cũng bé Mi, Mi hăng hái kể “Con gấu trèo lên cây này mẹ, nó lấy đá ném vào anh của nó.” Khi thấy mẹ tròn mắt nhìn mình, Mi có khả năng sửa lại câu chuyện: “Nó dọa thế thôi mẹ ạ. Nó đùa đấy mà! Gấu đâu có đánh anh, mẹ nhỉ!”
KỶ NĂNG GIAO TẾ VÀ TRẺ EM TRONG PHỔ TỰ KỶ
Nhóm trẻ em trong phổ tự kỷ, từ dạng nặng đến dạng nhẹ (Asperger), thiếu khả năng giao tế. Điều này có lẽ không khó hiểu nếu biết rằng khả năng giao tế là tổng hợp của rất nhiều kỹ năng, từ đơn giản như phát âm chỉ một từ hay đoán nét mặt buồn/vui, đến phức tạp như hiểu lời nói bóng gió hay tỏ ý không hài lòng một cách tế nhị.
Các em tự kỷ hay Asperger thường bị hiểu lầm là đứa trẻ kỳ quặc (vì không nhìn mắt người đang nói với mình), hoặc đứa trẻ được chiều chuộng quá mức (vì òa khóc khi mới nghe nửa lời chỉ trích). Rất nhiều những ánh mắt chiếu vào các em với lời bình phẩm như “mất dậy,” “quá hư,” hay ngay cả “khùng khùng điên điên”… khi các em có những thái độ giao tiếp không thích hợp ở chốn công cộng.
Ngay cả bậc cha mẹ, thương con vô cùng, cũng có khi thấy mình hoàn toàn không hiểu nổi vì sao con lại có thể cào cấu mặt mẹ chỉ vì không lấy được con gấu yêu thích. Không ít khi cha mẹ ngạc nhiên: “Sao bé lại không hiểu rằng khi chơi game không phải lúc nào bé cũng phải thắng?” Hay “Sao tôi đã cố gắng nói mãi mà cháu ở nhà vẫn không nhìn mắt tôi khi tôi nói?”
Điều khó khăn là rối loạn tự kỷ đã lấy đi khả năng của các em để quan sát và học khả năng giao tế từ người chung quanh. Các em vẫn thấy anh, chị, em của mình bị phạt vì đánh người khác, nhưng các em không rút được kết luận để chính các em không nên đánh ai. Các em chứng kiến bạn A bị phạt ngồi khoanh tay trên ghế vì xé vở của bạn, nhưng các em liên đới để đừng xé vở của ai. Các em Asperger, dạng tự kỷ nhẹ, thường xuyên nghe các bạn trò chuyện với nhau, nhưng không bắt chước được một câu để chính mình bắt chuyện với ai.
Những khả năng giao tế vì thế cần được dậy cho các em tự kỷ hay Asperger như những bài học thuộc lòng, cũng giống như chúng ta dậy 2 cộng 2 là 4, hay hình có ba cạnh mang tên tam giác.
Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng ngôn ngữ, tình cảm và lối biểu tỏ của con người đa dạng và thay đổi muôn cách, trong khi kiến thức 2 cộng 2 là 4 là loại kiến thức bất di bất dịch. Do vậy, dậy khả năng giao tế gian nan hơn dậy cộng trừ nhân chia. Hơn nữa, khả năng giao tế qua những bài học chỉ có hiệu quả nhất định nếu một cá nhân tự kỷ hay Asperger không phát triển được khả năng liên đới và khái quát hóa.
KẾT LUẬN
Giao tế đúng là khả năng phức tạp, vì những đề mục nhỏ trên đây chỉ là một phần của giao tế. Để thành công trong giao tế, một cá nhân còn cần nhiều các kỹ năng khác.
Vì mục đích của bài viết hướng đến khả năng giao tế mà chúng ta cần huấn luyện cho các em chậm phát triển, Down, tự kỷ, Asperger… chúng tôi xin gợi ý phân loại các kỹ năng này như sau:
- Làm theo mệnh lệnh
- Chấp nhận lời chỉ trích, góp ý
- Chấp nhận câu trả lời “không”
- Giữ bình tĩnh
- Không đồng ý
- Yêu cầu được giúp đỡ
- Xin phép
- Thuận thảo với người khác
- Xin lỗi
- Trò chuyện
- Khen
- Nhận lời khen
- Nghe người khác nói
- Chân thật
- Tỏ lòng thông cảm
- Tự giới thiệu
Trong những phần sau của loại bài này, 16 kỹ năng trên đây sẽ được thảo luận đi kèm những gợi ý để phụ huynh dậy cho các em bé tự kỷ/Asperger hay chậm phát triển.
Phần II
1)Làm theo mệnh lệnh
Kỹ năng làm theo mệnh lệnh trong bài viết này không nhắm đến thói quen nhắm mắt vâng lệnh trên, hay cúc cung tuân lời chủ mà xã hội vẫn coi là phản ứng thụ động của kẻ yếu thế, hèn nhát. Làm theo mệnh lệnh ở đây là thái độ cộng tác tích cực tại gia đình, trong lớp học, ngoài xã hội.
Làm theo mệnh lệnh có thể coi là bài học mang tính xã hội đầu đời mà em bé nào cũng được học. Lơ ngơ vài tháng tuổi, bé đã nghe mẹ nói đi nói lại bên tai: “Đến giờ rồi, bé con bú nhé!” hay “Trưa nóng, mẹ tắm mát cho con này!” Khi biết bò, bé có thể đã nghe: “Đừng bò vào gầm bàn, đụng đầu đấy!”, “Con bò lại đây nào!” Lúc chập chững đi, những câu khuyến khích: “Cố lên nào, bước bước nữa đi con!” hay “Ba đây nè, con bước lại với ba!” cũng là những mệnh lệnh.
Kỹ năng làm theo mệnh lệnh thường là bài học đầu tiên cho trẻ tự kỷ hay chậm phát triển vì khả năng này cần thiết để một học sinh trở nên thành viên tích cực của lớp: bé A cần nín khóc, bé B nên thôi nhẩy trên bàn, bé C phải làm viết cho xong bài tập viết…
Kỹ năng làm theo mệnh lệnh còn là căn bản để các em học sinh trong lớp đón nhận kiến thức mới: “Bây giờ chúng ta học toán. Các em mở sách trang 3 nhé. Các em có thấy hình đầu tiên không? Đếm cho cô xem trong hình ấy có bao nhiêu trái cam?”
Với các em tự kỷ/chậm phát triển, làm theo mệnh lệnh được sử dụng nhiều vì đây cũng là phương cách để dậy danh từ hay giới từ ở cấp độ căn bản nhất: “Để bút chì lên hộp màu xanh,” “Lấy cái thìa bỏ vào ly màu đỏ,” “Các con lấy màu nâu và tô con gấu cho cô, rồi lấy màu vàng tô mặt trời!” hay “Ai biết hát Bé Lên Ba thì dơ tay lên nào!”
Với các em có trình độ khá hơn, mệnh lệnh gia tăng mức phức tạp: “Các em dở trang 12, và làm các bài tập có số chẵn. Bài số lẻ ngày mai chúng ta mới làm!”
Dậy bé làm theo mệnh lệnh
Bậc phụ huynh có thể luyện cho con em khả năng này tại nhà. Điều tế nhị là nhận biết trình độ của các em: bé biết tên vật dụng nào, bé biết bao nhiêu màu sắc/hình dạng, bé có thể nghe câu nói dài bao nhiêu chữ, bé cần được nghe một câu nói nhắc lại bao nhiêu lần.
Bài học sẽ không làm cho bé giận dữ hay quá tải nếu được soạn dựa trên những vật dụng bé đã biết rành rẽ. Xin lưu ý, vì mục đích là để luyện khả năng làm theo mệnh lệnh, chúng ta chỉ chọn những vật dụng bé đã biết. Nếu mục đích để mở rộng vốn từ, chúng ta mới chọn những gì bé chưa biết. Khi đã có danh sách những gì bé biết tên, các bạn có thể chọn ra 5 hay 6 vật một lần (nhiều đồ vật có thể làm cho bé chia trí). Bạn hãy soạn sẵn những mệnh lệnh để có đọc chúng cho con một cách xuông xẻ và lập lại y như đã đọc. Những mệnh lệnh này có số chữ dài bằng số chữ mà bé có thể nghe và hiểu. Ngoài ra, từ ngữ sử dụng trong mệnh lệnh cũng nên nằm trong vốn từ bé đã có.
Thí dụ, bạn chọn được cái muỗng, cái bát, bút màu vàng, chiếc kẹp tóc, và cái lược, bạn có thể soạn sẵn những mệnh lệnh như: đưa mẹ cái bát, bỏ bút màu vào bát, lấy kẹp tóc để lên đầu con, bỏ cái lược xuống đất, v.v..
Bạn có thể thấy rằng mỗi câu trên đây có khoảng 3 chi tiết. Thí dụ “đưa mẹ cái bát,” chúng ta có đưa, mẹ, và cái bát. Số mệnh lệnh này sẽ tăng lên tùy theo trình độ của bé. Sau này, có những mệnh lệnh phức tạp hơn như: “Để cái xe màu đỏ lên cái hộp màu tím, rồi lấy tay trái sờ lên vai phải!”
Phần lớn trẻ em khi mới tập bài tập làm theo mệnh lệnh sẽ cần được nghe lại mệnh lệnh nhiều lần. Có em chỉ nghe hai lần là làm được, có em cần đến 5 lần. Chúng tôi dựa trên kinh nghiệm để đề nghị nhiều nhất là 5 lần. Ở lần cuối cùng, người dậy sẽ cầm tay bé để thực hiện mệnh lệnh thay vì tiếp tục chờ đợi bé.
Vì bài học làm theo mệnh lệnh cũng còn có thể dùng để dậy các ý niệm khác, hy vọng các bạn sẽ không khiến cho bài học trở nên phức tạp quá trình độ của bé. Một bài học quá trình độ có thể làm cho bé quá tải, làm cho người dậy thất vọng, và không mang lại hiệu quả mong muốn.
Nếu muốn dậy các ý niệm khác, chúng tôi đề nghị các bạn soạn bài theo các chủ đề khác nhau, thí dụ: giới từ (học về bên trên, dưới, trái, phải, cạnh, sau, trước…), danh từ (những vật bé cần biết tên như bộ phận cơ thể, đồ dùng trong khung cảnh gia đình, trường lớp…, số, chữ…), động từ (dơ tay, đi, ngồi, nghiêng đầu, nhắm mắt…), vân vân.
Khi bắt đầu bài học cho bé, hãy bảo đảm là khung cảnh chung quanh tĩnh lặng và không làm bé chia trí. Bạn cũng nên cho phép bé được nghỉ dãn xả giữa giờ bằng một vòng đi bộ quanh vòng, uống một hớp nước… Khi bé tỏ vẻ phẫn nộ vì nét mới mẻ hay độ khó của bài, bạn có thể cắt ngắn bài học ở những lần đầu. Khi đọc một mệnh lệnh cho bé, bạn có thể cầm lấy hai tay bé và mắt nhìn mắt để giúp bé chú ý vào lời bạn. Khi mệnh lệnh đã được đọc xong, bạn thả tay bé ra để bé bắt thi hành mệnh lệnh. Nếu cần, bạn có thể giúp bé nhắc lại mệnh lệnh này. Dậy bé xin “Mẹ/Ba đọc lại đi” cũng cần thiết để sau này vào lớp bé biết cho thầy cô hiểu rằng bé cần họ nhắc lại mệnh lệnh.
2) Chấp nhận lời chỉ trích, phê bình
Chấp nhận lời chỉ trích, phê bình? Có vẻ như chúng ta đang nói đến tính khiêm nhu của người lớn. Điều này cũng chẳng sai. Không thiếu những giây phút chúng ta thấy “nóng mặt” vì lời nói của người đối diện. Món ăn vừa nấu xong, chồng bảo: “Nêm hơi thiếu ngọt!” Nhà vừa sơn xong, vợ chép miệng: “Giá mà màu vàng nhạt hơn sẽ đẹp hơn!” Những lời chỉ trích đưa ra ở chỗ đông người còn khó nghe hơn, thí dụ như khi chúng ta bị phê bình trong cuộc họp, giữa khi vui vẻ với bạn bè, trong bàn tiệc, vân vân.
Với đa số trẻ em, việc chấp nhận lời phê bình không phải là điều khó khăn. Các em vẫn có thể bình tĩnh nghe mẹ la, ba mắng, ông bà rầy. Các em cũng thường nghe bạn chê: “Bạn tô mầu xấu thế!” hay “Áo của bạn không đẹp bằng áo của mình!” Khi cô giáo chấm điểm và phê bình bài các em trước lớp, không có nhiều những trường hợp các em khóc lóc, bắt đền, giận dữ.
Với các em tự kỷ, chấp nhận lời phê bình là điều khó khăn không phải vì các em tự ái, cũng không vì các em chủ quan, mà đơn giản chỉ là những lời nói ấy mang âm giọng và ý nghĩa tiêu cực. Những em có trí hiểu cao hơn một chút khó chịu với lời chỉ trích, phê bình vì hiểu rằng người nói không chấp nhận những gì các em đang thực hiện.
Các nhà chuyên môn tin là các em mang hội chứng Asperger có khả năng hiểu rằng lời phê bình là tiền đề của những đổi thay: “Trọng, bài làm của em thiếu phần tóm tắt đại ý. Em nên làm thêm rồi nộp lại cho cô!” hay “Mỹ ơi, con xô bạn là xấu! Con phải xin lỗi bạn thay vì bỏ đi như thế!”
Dậy bé chấp nhận lời chỉ trích, phê bình
Các em bé tự kỷ nên học khả năng này một cách máy móc: “Khi ba mẹ, ông bà hay cô giáo la rầy, con phải nghe!” hay “Ba mẹ dậy, con không được khóc la!”
Các em Asperger hay chậm phát triển có thể có khả năng nghe bạn lý luận: “Cô giáo nói con phải làm lại bài vì con viết chữ quá ẩu tả. Cô giáo nói đúng, con sai! Khi mình sai, mình phải sửa. Khóc không phải là thái độ thích hợp!” Ngoài ra, rất nhiều em bé Asperger trở thành mục tiêu chọc ghẹo của bạn bè. Lời phê bình ác ý trong trường hợp này không nên được chấp nhận, mà bạn phải dậy các em đối phó.
Với lời phê bình có tính tích cực, vì trẻ em mang rối loạn Asperger hay chậm phát triển có khả năng nhận xét và điều chỉnh cử chỉ, điệu bộ của mình, bạn có thể dậy các em:
Cố gắng giữ bình tĩnh khi nghe người khác phê bình. Hít một hơi thở sâu nếu cần.
Đừng để lộ vẻ mặt giận dữ vì thái độ ấy chỉ khiến người lớn bực mình thêm.
Nếu cần đối đáp, hãy giữ giọng nói nhỏ nhẹ. Đừng la lối. Đừng khóc lóc.
Nếu không hiểu vì sao mình bị chỉ trích, các em có thể hỏi lý do, hoặc bàn thảo với những người lớn khác.
Với những lời chọc ghẹo ác ý, hãy dậy các em đối đáp khôn ngoan và bình tĩnh:
Soạn sẵn một số câu để các em học thuộc lòng và sử dụng: “Bạn không được quyền nói về mình như thế!”, “Tôi sẽ không tiếp tục chơi với bạn lúc này,” “Tôi sẽ báo với cô giáo về lời nói của bạn,” v.v..
Tìm giáo viên hay phụ huynh của người bạn chọc ghẹo mình để đề nghị họ can thiệp.
Cố gắng không khóc, không tỏ ra giận dữ vì những thái độ ấy chỉ làm cho những người bạn xấu miệng thích thú.
Nói ngay với ba mẹ về những gì xảy ra tại trường để ba mẹ yêu cầu nhà trường can thiệp.
3) Chấp nhận câu trả lời “không”
Đây cũng là kỹ năng mà không hẳn người lớn đã toàn hảo. Câu trả lời “không” là câu xác định rằng ý kiến hay đề nghị của chúng ta không được chấp thuận. Thường thì chúng ta đối phó với câu trả lời “không” dễ dàng hơn những lời phê bình kéo dài năm bảy đoạn văn, gồm những từ ngữ sắc bén gây mất lòng.
Các em bé thường hay đáp trả lời từ chối của cha mẹ với chữ “không” bằng cách nũng nịu, khóc lóc, năn nỉ. Có em khóc cho đến khi cha mẹ đổi ý mới thôi. Có em khóc òa rồi thôi. Có em hai ba hôm sau lại năn nỉ ỉ ôi.
Các em tự kỷ không có kỹ năng điều đình để năn nỉ. Các em thiếu khả năng ngôn ngữ để lèo nhèo xin cho bằng được. Các em cũng không biết làm nũng, phụng phịu để đòi hỏi. Các em sử dụng đòn thế duy nhất: khóc! Hung hăng hơn, các em dẫy đạp, lăn xuống đất, cào cấu người khác, làm đau chính mình… Lý do: “không” đồng nghĩa với việc ý kiến của các em bị phủ nhận. Thế giới riêng có cánh cửa nhỏ của các em tự kỷ khiến các em đóng khung trong ấy, và không hiểu những quy lệ của gia đình, lớp học cũng như xã hội chung quanh. Những gì khác với thế giới của các em, mà chữ “không” là một, đều có thể là ngòi châm một cơn bùng nổ.
Dậy bé chấp nhận câu trả lời “không”
Việc dậy các em chấp nhận câu trả lời “không” trở nên cần thiết để các em hòa hợp được cùng thế giới mà các em đang sống với.
Câu trả lời “không,” cách nào đó, cũng tương tự với lời phê bình và chỉ trích trong ý niệm chúng trái với mong đợi của các em. Cách huấn luyện cũng tương tự. Với các em bé, bạn nên tập cho các em quen với câu trả lời ấy bằng cách làm lơ những lần các em khóc lóc la lối, và kiên nhẫn giữ lập trường của mình. (Xin nhớ là một lần nhượng bộ sẽ đưa bạn trở lại những bước đi đầu tiên, và rất khó để đưa bé trở lại vị trí hiện tại). Với các em tự kỷ dạng trung bình hay nhẹ, bạn có thể đưa vào những lý luận (đơn giản đến phức tạp tùy trình độ hiểu biết của từng cá nhân). Những phản ứng thích hợp cũng tương tự như khả năng chấp nhận lời phê bình: không tỏ vẻ khó chịu hay giận dữ, dùng lời nói nhỏ nhẹ. Điểm đáng chú ý ở khả năng này là bạn nhớ dậy các em tránh hỏi lý do tại sao ngay khi câu trả lời “không” được đưa ra. Người luôn hỏi “vì sao” có thể bị hiểu lầm là muốn cãi gàn. Thái độ khôn ngoan các em nên có là chấp nhận quyết định ấy của người lớn, và quay lại thảo luận sau.
Trước những câu trả lời “không” mang tính phi lý, bạn nên dậy các em phản ứng thay vì im lặng chịu thua. Thí dụ bạn A không chịu chia chung đồ chơi dù cô giáo đã yêu cầu phải chia, hay bạn B từ chối xin lỗi vì đã phỉ mạ con bạn, bé có quyền phản ứng. Bé có thể đến nói với cô giáo về thái độ của bạn A và bạn B. Tuy nhiên, đây là phản ứng gián tiếp, không phải phản ứng trực tiếp. Bạn nên dậy con đừng trả lời hay tỏ vẻ giận dữ với những người bạn này, mà lập tức bỏ đi tìm cô giáo.
4) Giữ bình tĩnh
Không ít khi chúng ta chứng kiến các em tự kỷ hay Asperger có những cơn bùng nổ. Đôi khi chúng ta biết lý do, có lúc chúng ta không hiểu vì sao. Cơn giận dữ có vẻ như đến với các em dễ dàng, và cũng dễ dàng gia tăng đến đỉnh.
Chúng ta cũng có những cơn giận dữ trong cuộc sống đầy lao nhọc và lo toan. Dù vậy, khả năng điều hòa và kiềm chế bản thân của chúng ta giúp chúng ta giữ cho đầu óc mình tỉnh táo, hành động mình thích hợp. Dĩ nhiên, trong chúng ta có người này nóng tính hơn người kia, nhưng “bùng nổ” thì gần như không, trừ những cá nhân mà các chuyên gia tâm lý phải giới thiệu đi chữa trị về “anger management - kiềm chế sự giận dữ.”
Vì sao đại đa số chúng ta có thể kiềm chế cơn giận dữ, trong khi các em tự kỷ thì không? Không phải vì chúng ta là người trưởng thành! Các trẻ em khác phát triển đúng chuẩn cũng biết dằn cơn giận của chúng đấy chứ!
Vậy ở đây điều khác biệt giữa nhóm người tự kỷ và nhóm người không tự kỷ là gì? Là khả năng đo được tác hại của những hành động bất xứng phát sinh từ cơn bùng nổ, là khả năng hiểu rằng xã hội không chấp nhận những hành vi bất hợp của sự giận dữ.
Dậy bé giữ bình tĩnh
Để dậy một bé tự kỷ giữ bình tĩnh, bạn có thể phải bỏ qua bước lý luận, mà chỉ dậy thuộc lòng những kỹ năng cần có:
Hít thật sâu, thở ra chậm. (Xin nhớ rằng những hơi thở sâu liên tiếp có thể gây chóng mặt).
Đếm từ 1 đến 10.
Nếu cần, sắp sẵn cho bé quả banh mềm hay món đồ chơi bằng nhựa mềm để bé bóp.
Bé có thể nói lên cảm xúc: giận, tức, muốn khóc, đau đầu, đau tai… Nếu bé chưa nói thành lời, bạn có thể sắp sẵn cho bé một số hình mặt cười, mặt mếu, hình biểu tỏ đau đầu, tức giận, sợ hãi… để bé sử dụng. Một số em có thể viết, bạn cho các em cuốn nhật ký để các em viết xuống cảm xúc của mình.
Theo: ConCuaMe.com
No comments:
Post a Comment